Khai mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô
VHO-Tối 26.9, tại Rạp Công Nhân, số 42 Tràng Tiền (Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020. Liên hoan do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức, hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi và Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội Tô Văn Động tặng hoa Ban giám khảo Liên hoan
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan cho biết: Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020 là một hoạt động nghề nghiệp có tính sự kiện, tiếp nối 3 cuộc Liên hoan các năm 2014, 2016, 2018. Liên hoan là cuộc hội tụ của các đơn vị nghệ thuật sân khấu nhằm tạo ra cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển. Liên hoan cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn khái quát về sự phát triển của các loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam đóng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố có mối quan hệ sâu sắc với Hà Nội, có những đánh giá, nhìn nhận thấu đáo về nghệ thuật để đưa ra những giải pháp đầu tư xứng tầm, có hiệu quả cho nghệ thuật, tạo nên những tác phẩm sân khấu hay, hấp dẫn, phản ánh sinh động trong đời sống xã hội và thực sự lan tỏa, thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm của công chúng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Ban tổ chức tặng hoa đại diện các đơn vị tham gia Liên hoan
Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020 có 13 đơn vị nghệ thuật ở Thủ đô và một số tỉnh, thành tham gia với 13 vở diễn gồm:Trương Chi - Mỵ Nương của Nhà hát Kịch Hà Nội, Những người ở lại của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh VN, Huyền thoại Hà Nội của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Trinh nguyên của Nhà hát Chèo Việt Nam, Hoàng thúc Lý Long Tường của Nhà hát Chèo Bắc Giang, Người đi tìm minh chủcủa Nhà hát Cải lương Việt Nam, Bạch đàn liễucủa sân khấu Lucteam, Huyền thoại Thánh Mẫu của Nhà hát Cải lương Hà Nội, Cánh chim trắng trong đêm của Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu,Người tốt nhà số 5 của Nhà hát Kịch Việt Nam, Chuyện Thành Cổ Loa của Hội Sân khấuTPHCN, Đợi đến mùa xuân của Nhà hát Tuổi trẻ, Tình sử Thăng Long của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Theo đánh giá của giới sân khấu, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV sẽ là cuộc so tài đầy kịch tính và hấp dẫn. Trong số 13 vở diễn tham gia Liên hoan lần này, một số vở diễn được dàn dựng mới đây đã tạo được hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả; bên cạnh đó, có những đơn vị nghệ thuật dựng lại các vở đã từng công diễn nhưng với góc nhìn mới và mang đậm hơi thở của thời đại.Đại diện Ban tổ chức cho biết, Liên hoan năm nay được tổ chức khi dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, Ban Tổ chức sẽ nghiêm chỉnh chấp hành đúng các nội quy, quy định của công tác phòng, chống dịch COVID-19 như đặt các bình nước rửa tay y tế và khẩu trang... tại cửa các nhà hát, nơi diễn ra các buổi thi diễn của Liên hoan.
Kịch Trương Chi - Mỵ Nương quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng của sân khấu kịch Thủ đô
Ngay sau Lễ khai mạc, Nhà hát Kịch Hà Nội đã trình diễn vở Trương Chi - Mỵ Nương, mở màn cho Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020. Kịch Trương Chi – Mỵ Nương (tác giả Phùng Nguyễn, đạo diễn Phùng Tiến Minh) dựa trên cốt truyện cổ tích dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Vở kịch xoáy sâu vào làm nổi bật bi kịch của hai nhân vật nói riêng, của xã hội thời đó nói chung. Dẫu có mê tài và tâm hồn đẹp của Trương Chi nhưng rốt cuộc Mỵ Nương cũng đã không thể vượt qua được rào cản lớn nhất của sự khác biệt giàu nghèo và địa vị trong xã hội đến được chàng. Vở diễn gửi gắm thông điệp tới khán giả, đặc biệt là với người trẻ cần phải vượt lên mọi chông gai, mọi trở ngại, mọi định kiến để được sống là chính mình, được khẳng định bản thân trong cuộc sống. Hãy không ngừng khát khao và vươn lên để hướng đến sự toàn mỹ.
Sân khấu của vở Trương Chi - Mỵ Nương được thiết kế sân khấu rất hiện đại
Với nhiều ưu thế từ công tác đạo diễn đến nhạc sĩ nên Phùng Tiến Minh đã làm rất tốt khi biến Trương Chi - Mỵ Nương của Nhà hát Kịch Hà Nội trở thành một tác phẩm tổng hợp giữa các loại hình kịch nói, hát, múa, câu chuyện xưa nhưng góc nhìn và dàn dựng lại mang hơi thở đương đại đã tạo nên một vở diễn khá hấp dẫn, thỏa mãn yếu tố nghe, nhìn cho khán giả. Sân khấu quay hiện đại của Rạp Công Nhân đã được ê kíp sáng tạo vở khai thác triệt để đã mang lại một sân khấu mới lạ, hấp dẫn, giúp khán giả cảm nhận rõ hơn về những chuyển đổi không gian, thời gian một cách ấn tượng, hợp lý. Vở diễn có sự tham gia của những gương mặt nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch Thủ đô: NSƯT Quang Thắng, Thùy Dương, Ngọc Quỳnh...
Trương Chi – Mỵ Nương là vở diễn được chọn trình diễn ngay sau lễ khai mạc, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội đã mang tới cho khán giả và đồng nghiệp rất tốt về tính chuyên nghiệp trong dàn dựng, mặc dù phỏng theo câu chuyện cổ tích nhưng lại khá hấp dẫn, mang tới cho người xem những cảm xúc nhẹ nhàng, pha lẫn những suy tư về mục đích sống và yêu như thế nào được coi là lý tưởng. Sự khởi đầu tốt đẹp mang lại nhiều hi vọng cho một liên hoan nhiều tác phẩm đạt chất lượng.
THUÝ HIỀN; ảnh: QUANG VINH